WB: Kinh tế Việt Nam… còn có nhiều “tin xấu”
|
Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới |
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đưa ra đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị tham vấn đối tác phát triển về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì ngày 6/9.
Theo bà Victoria Kwakwa, những kết quả mà Việt Nam đạt được trong phát triển kinh tế-xã hội như tốc độ tăng trưởng đạt khá (5,4% trong quý 1 và 5,7% trong quý 2), xuất khẩu tăng mạnh, tỷ giá hối đoái ổn định; dự trữ ngoại tệ tăng; công tác an sinh xã hội đạt được những kết quả tích cực… sẽ là tiền đề để Việt Nam tiếp tục phát và đạt tăng trưởng cao hơn trong năm 2012 và những năm tiếp theo.
Bà Victoria Kwakwa khuyến nghị, Việt Nam cần kiên trì các mục tiêu của Nghị quyết 11, vì việc này sẽ giúp Việt Nam tránh các yếu tố gây bất ổn kinh tế vĩ mô cũng như đạt được mục tiêu kép là duy trì, cân bằng được mục tiêu phát triển, tốc độ tăng trưởng hợp lý và đảm bảo được các vấn đề an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.
Bà Victoria Kwakwa cho rằng, Việt Nam cần tăng cường hơn nữa tính minh bạch ngân sách, tập hợp và công bố thông tin toàn diện về nợ của các doanh nghiệp; lưu ý tới công tác thông tin truyền thông qua đó tạo niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư… về chính sách điều hành kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, vị đại diện của WB cũng cho rằng bên cạnh những “tin tốt”, còn có nhiều “tin xấu” như lạm phát cao; xuất khẩu chưa tốt; lãi suất cho vay còn cao; cam kết FDI giảm… là những vấn đề mà Việt Nam cần giải quyết.
Bà Victoria Kwakwa nêu rõ mức lạm phát 23% so với cùng kỳ là cao nhất châu Á hiện tại.
Đồng nội tệ cũng dao động mạnh trong bốn năm qua và là đồng tiền duy nhất ở châu Á giảm giá so với USD; trong khi dự trữ ngoại tệ tính theo tuần nhập khẩu hiện chỉ ở mức 8 tuần, mức thấp nhất kể từ năm 1994, trong bối cảnh hầu hết các nước châu Á khác đều tăng dự trữ ngoại tệ.
Hiện trạng này đòi hỏi Chính phủ phải quyết tâm hơn nữa trong việc tiếp tục các giải pháp nhằm cấu trúc lại khối ngân hàng và doanh nghiệp để lành mạnh hóa nền kinh tế, từng bước phục hồi.
Ông Benedict Bingham, đại diện thường trú cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam và Lào điểm lại những dự báo về tình hình kinh tế thế giới và nhấn mạnh hậu quả của suy thoái kinh tế thế giới, vấn đề nợ công… sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ tới các nền kinh tế trong đó có Việt Nam.
Ông Benedict Bingham cho rằng trong thời gian tới, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng hiệu quả và bền vững.
Theo ông, Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với những vấn đề kế thừa từ quá khứ, chẳng hạn như lạm phát, nợ công, nợ của khu vực doanh nghiệp. Không chỉ vậy, một vấn đề khác là dường như sự quan tâm đến cải cách cơ cấu đang ít đi.
Việc tái cơ cấu khối ngân hàng và doanh nghiệp cần được thực hiện ngay và Chính phủ cần thể hiện điều đó thông qua việc đưa ra các tiêu chuẩn mới, chẳng hạn phải áp dụng ngay một Chương trình đánh giá ổn định tài chính.
Việc tái cơ cấu nền kinh tế không chỉ đóng góp tích cực vào ổn định kinh tế vĩ mô; cân bằng các cán cân kinh tế… mà còn tạo cơ hội cho đầu tư, tăng trưởng và tăng cường niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước về chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ; về sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế.
Đại diện của IMF nói, sự chậm lại của cải cách cơ cấu trong hai năm qua là dễ hiểu, nhưng đã đến lúc Chính phủ cần có tín hiệu cụ thể rằng sẽ lấy lại động lực cải cách, qua đó mang lại hy vọng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) Tomoyuki Kimura khuyến nghị Việt Nam cần quản lý hiệu quả hơn vấn đề về đầu tư công bởi đây là một trong những lĩnh vực rất dễ gây nên những bất ổn về kinh tế vĩ mô; cùng với đó là phải đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhà nước để tăng cường tính hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.
Một chuyên gia độc lập của EU cho rằng, là một nền kinh tế mở, đã hội nhập quốc tế sâu rộng, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xuất khẩu, nhất là những mặt hàng được coi là thế mạnh và khi đưa ra bất kỳ chính sách nào về xuất nhập khẩu nào cũng cần cân nhắc kỹ đến các yếu tố gây tác động bất lợi, hoặc gây ra những thiệt hại về kinh tế khi Việt Nam đã gia nhập WTO.
Việt Nam cũng cần hết sức quan tâm tới công tác phát triển giáo dục, y tế; đảm bảo cho người dân ngày càng có điều kiện sống, môi trường sống và hưởng các chế độ phúc lợi xã hội tốt hơn.
Các chuyên gia, các nhà tài trợ quốc tế, các vị Đại sứ… khẳng định cam kết sẽ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ và sát cánh cùng Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội.
(Theo Tamnhin)